TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2024 08:47

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở;  chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 của Ngành Tư pháp

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Kế hoạch, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đã được ban hành; thường xuyên đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng để tham mưu hoàn thiện thể chế và coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp thúc đẩy việc đưa pháp luật vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả nổi bật như:

Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, đề án nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ những khó khăn cho các lĩnh vực này, đặc biệt là việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, trong đó Chủ tịch Hội đồng là 01 Phó Thủ tướng Chính phủ; việc tổ chức thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên diện mạo, động lực mới cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thực chất và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp;

Triển khai nhiều hoạt động có sức lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, trở thành sự kiện chính trị - văn hóa - pháp lý mang tầm quốc gia và hướng mạnh về cơ sở;

Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tham mưu về quản lý nhà nước đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho cơ quan này trong tham mưu và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ cở và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong giai đoạn mới;

Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và tư pháp địa phương đã tham gia triển khai hiệu quả các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân... đã thúc đẩy hiệu quả, chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo.

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bên cạnh các hình thức truyền thống, nhiều mô hình mới, cách làm hay hiệu quả về phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai đạt hiệu quả cao; tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm với các nội dung và hình thức đa dạng.

Năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 436.383 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 32.277.992 lượt người; tổ chức 10.936 cuộc thi cho hơn 11.480.199 lượt người dự thi; phát hơn 44 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 1.464.590 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho hơn 100 triệu lượt người.

- Công tác hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, bám sát các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các Quyết định số: 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;... Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động tham mưu đưa nội dung, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào các Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm. Qua báo cáo của các địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tính đến nay có 10.596 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 95.2%).

- Công tác hoà giải ở cơ sở tiếp tục được Bộ Tư pháp, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả; tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Năm 2023, các Hoà giải viên đã tiếp nhận 90.522 vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,7%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã tiếp nhận 302.172 vụ việc hoà giải, trong đó số vụ việc hoà giải thành là 259.554 vụ việc và tỷ lệ hòa giải thành tăng liên tục trong các năm.

(Theo Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2024 của BTP)

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn