TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 18/11/2021 16:05

Những điều cần biết về học nghề, tập nghề

Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019, “Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc”. Học nghề có thể hiểu là hoạt động mà người sử dụng lao động thực hiện đào tạo nghề nghiệp chuyên môn cho người lao động, được thỏa thuận dưới hình thức hợp đồng đào tạo.

Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc

Tập nghề cũng tương tự với học nghề, điều khác biệt là đối với tập nghề, người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí làm tại nơi làm việc chứ không đào tạo kiến thức chuyên môn, lý thuyết.

1. Quy định về thời gian học nghề, tập nghề

- Thời gian học nghề: Khoản 1 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, “Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”

- Thời gian tập nghề: Khoản 1 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng”.

2. Điều kiện để học nghề, tập nghề

* Điều kiện khi người sử dụng lao động tổ chức học nghề, tập nghề:

- Không được thu học phí: Khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, nếu sử dụng lao động đào tạo người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không được thu phí đối với người lao động, ngược lại, người sử dụng lao động sẽ không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Chi trả chi phí đào tạo: Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các khoản chi phí này bao gồm: Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

- Phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nếu không ký hợp đồng đào tạo thì không thể coi đó là hoạt động học nghề, tập nghề, đồng thời do không có hợp đồng lao động nên cũng không thể coi là quan hệ lao động. Vì vậy, quyền lợi của người học nghề, tập nghề sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khoản 4 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: trong quá trình tổ chức học nghề, tập nghề, không được lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

* Điều kiện đối với người học nghề, tập nghề:

- Khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trường hợp học nghề, tập nghề đối với các nghề, công việc thông thường:

+ Đủ 14 tuổi trở lên;

+ Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề.

- Trường hợp học nghề, tập nghề đối với các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, người dưới 18 tuổi không được làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 (trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao được tuyển người dưới 18 tuổi.

3. Các vấn đề khác liên quan đến học nghề, tập nghề

- Người sử dụng lao động khi tuyển người học nghề, tập nghề không cần phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp dù hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động và người học nghề, tập nghề là loại hợp đồng đào tạo.

- Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.

- Kết thúc thời gian học nghề, tập nghề, người sử dụng lao động bắt buộc phải ký kết hợp đồng lao động với người học nghề, tập nghề.  

4. Nội dung của hợp đồng học nghề, tập nghề bao gồm những nội dung sau:

Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hợp đồng học nghề, tập nghề bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

- Nghề đào tạo

- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo

- Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo

- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo

- Trách nhiệm của người sử dụng lao động

- Trách nhiệm của người lao động

Tại phần trách nhiệm của người lao động, có thể sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hợp đồng nếu người lao động không thực hiện đúng hoặc không thực hiện hợp đồng, trong đó có bồi thường chi phí đào tạo.

Ngọc Châu

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn