TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/10/2021 17:04

Bảo vệ quyền lợi của trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn

Sau khi ly hôn, một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra đó là ai sẽ người trực tiếp nuôi con. Theo quy định của pháp luật thì cha, mẹ có thể thỏa thuận hoặc Tòa án có quyền quyết định xem ai sẽ là người trực tiếp nuôi con. Nếu con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho đứa bé mới sinh trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Chỉ trong những trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con thì người mẹ mới không có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con. Quy định trên của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhằm trực tiếp bảo vệ trẻ sơ sinh, bảo đảm sự chăm sóc cần thiết nhất cho trẻ.

Trường hợp hai bên cha mẹ không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi căn cứ vào lợi ích mọi mặt của con cũng như xem xét nguyện vọng của con nếu con trên 07 tuổi. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi đứa trẻ từ 07 tuổi trở lên bày tỏ nguyện vọng sống cùng ai thì Tòa án sẽ chấp thuận theo nguyện vọng của đứa trẻ. Bởi lẽ, đôi khi sự lựa chọn của trẻ em về việc chung sống cùng cha hay mẹ phần nhiều là dựa theo cảm tính. Chính vì vậy, nguyện vọng của đứa trẻ cũng chỉ là một căn cứ để Tòa xem xét còn việc quyết định quyền nuôi con còn dựa vào điều kiện kinh tế, phẩm chất đạo đức của cha, mẹ...

Thỏa thuận người trực tiếp nuôi con giữa vợ, chồng hay quyết định việc ai sẽ là người nuôi con của Tòa án có thể được thay đổi trong các trường hợp sau: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Khi cha mẹ là người trực tiếp nuôi con không đủ khả năng để tiếp tục nuôi con hoặc nhận thấy việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ tốt hơn cho con thì việc thay đổi này sẽ giúp con có môi trường sống thuận lợi hơn, từ đó phát triển tốt hơn về thể chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng cần xem xét tới nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Bảo vệ trẻ em thông qua quy định về cấp dưỡng nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Pháp luật quy định cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn nhằm bảo đảm cho đứa trẻ có cuộc sống ổn định, cấp dưỡng được coi là bù đắp phần nào cho đứa trẻ khi gia đình tan vỡ, thiếu đi sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ là tổn thất vô cùng lớn đối với trẻ. Nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con được bảo đảm ngay cả trong trường hợp cha mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp cha, mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng thì người còn lại đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án buộc người kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Nếu cha mẹ cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Đây là một trong những quyền quan trọng của người không trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, trong trường hợp người này lạm dụng việc thăm nom để gây ảnh hưởng xấu đế sự phát triển, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ có trách nhiệm bảo vệ con trước những nguy cơ đến từ người không trực tiếp nuôi con. Theo đó, người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi, vi phạm pháp luật, khi đó, người trực tiếp nuôi con có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con.

Một vài kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn

Thứ nhất: Cần quy định cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc kể cả trong trường hợp bên trực tiếp nuôi con từ chối. Quyền được cấp dưỡng là quyền lợi của người con nên người trực tiếp nuôi dưỡng không có quyền từ chối. Nghĩa vụ cấp dưỡng vừa là nghĩa vụ nhưng cũng vừa là quyền của người cấp dưỡng.

Về thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con đã không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con của mình mà không phải chờ đến lúc vợ chồng ly hôn. Bởi lẽ, theo định nghĩa tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu cần thiết của người không sống chung với mình”. Như vậy, kể từ khi không trực tiếp chăm sóc con và không đóng góp để nuôi con thì nghĩa vụ cấp dưỡng của họ đã phát sinh và phải thực hiện mà không phải chờ đến lúc ly hôn.

Thứ hai: Về cơ chế xử lý những trường hợp vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng. Trên thực tế, vấn đề vi phạm về nghĩa vụ cấp dưỡng rất phổ biến mặc dù đã có chế tài xử lý do chưa đủ nghiêm khắc và vấn đề xử lý hành vi vi phạm vẫn còn chưa kiên quyết. Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Có thể thấy, chế tài như trên chưa đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn. Vì vậy, tình trạng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn còn khá phổ biến. Do đó, pháp luật cần có chế tài nghiêm khắc hơn cũng như kiên quyết xử lý đối với những người có hành vi vi phạm vấn đề này. Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn, để người cha, người mẹ tự nguyện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.

Thứ ba: Cần có những chương trình phát thanh, truyền hình hay sách báo có nội dung pháp luật dễ hiểu, cụ thể, trong đó đưa ra các trường hợp thực tế để tạo được sự quan tâm của mọi người, từ đó, nâng cao sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Thứ tư: Luật Hôn nhân và Gia đình cần bổ sung các trường hợp mà mức cấp dưỡng buộc phải thay đổi như trẻ em được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn hơn do bị bệnh tật, tai nạn; hoặc đứa trẻ ngày càng lớn, nhu cầu chi tiêu cho việc học ngày càng nhiều; giá cả thị trường có sự biến động; người trực tiếp nuôi con không còn việc làm nên không có lương hoặc có thu nhập hợp pháp khác,… Trong  những trường hợp trên, mức cấp dưỡng cần phải được điều chỉnh theo hướng tăng lên để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của trẻ em.

Quang Huy

(Theo www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn