TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 15/10/2021 08:19

Cần tăng định mức chi cho các hoạt động xây dựng pháp luật

Ngày 28/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Qua 5 năm triển khai thi hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC, bên cạnh những kết quả đạt cũng đã bộc lộ không ít những khó khăn, vướng mắc.

Bất cập từ việc không được bố trí từ nguồn kinh phí riêng

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, nhiều quy định của Thông tư số 338/2016/TT-BTC không còn phù hợp với một số quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình áp dụng.

Đơn cử, theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 338/2016/TT-BTC thì kinh phí xây dựng pháp luật được bố trí trong kinh phí thường xuyên của bộ, ngành, địa phương chứ không được bố trí từ nguồn kinh phí riêng. Quy định này chưa hợp lý vì có thể làm ảnh hưởng đến việc cân đối kinh phí thường xuyên của bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

Mặt khác, Điều 3 của Thông tư số 338/2016/TT-BTC chưa quy định về nội dung chi đối với một số hoạt động trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của Luật, một số công việc mà các cơ quan phải thực hiện nhưng lại không được đề cập tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC như xây dựng nghị quyết thông qua chính sách, thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, việc không tách bạch các mức chi và nội dung chi giữa giai đoạn lập đề nghị xây dựng và giai đoạn soạn thảo quy phạm pháp luật cũng gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu xây dựng nhiều loại tài liệu, báo cáo cần có trong hồ sơ đề nghị xây dựng quy phạm pháp luật nhưng Thông tư số 338/2016/TT-BTC chưa quy định về nội dung chi đối với các hoạt động này. Do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị gặp không ít lúng túng trong việc xác định mức chi và việc thanh, quyết toán đối với các tài liệu, báo cáo nêu trên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật được quy định tại Điều 4 của Thông tư số 338/2016/TT-BTC còn thấp so với mặt bằng chung hiện nay; đơn cử như: Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: mức chi 250.000 đồng/báo cáo tổng hợp ý kiến; 350.000 đồng/báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý. Đối với văn bản sửa đổi, bổ sung: mức chi 150.000 đồng/báo cáo tổng hợp ý kiến; 250.000 đồng/báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý... Với mức chi như vậy chưa thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong khi công tác này đòi hỏi quy trình chặt chẽ với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, nhiều nội dung cần sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia, dịch thuật, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, cũng như hoạt động khảo sát với nội dung sâu và phạm vi rộng.

Ngoài ra, Thông tư số 338/2016/TT-BTC cũng chưa quy định định mức phân bổ kinh phí cho việc việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luậtvăn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng định mức chi cho các hoạt động xây dựng pháp luật là cần thiết

Hiện nay, dự thảo Thông tư về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã bổ sung nội dung chi và mức chi đối với một số tài liệu trong hồ sơ, gồm: Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo, đề cương chi tiết dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Sửa đổi nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm được tổng hợp chung vào ngân sách chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị.

Việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại cơ quan, đơn vị được thực hiện trên cơ sở được giao nhiệm vụ, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình công tác của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương theo hình thức khoán chi theo sản phẩm. Việc dự toán ngân sách chi thường xuyên cho công tác xây dựng pháp luật được tính trên cơ sở tình hình xây dựng và ban hành văn bản của năm trước.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về định mức chi cho các hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định về việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thành một mục riêng với các mức chi cụ thể. Bố trí kinh phí riêng cho công tác lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy định tăng mức chi đối với đề cương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Việc sửa đổi theo hướng tăng định mức chi lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành là cần thiết để phù hợp với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và lương tối thiểu; đồng thời có thể coi là một biện pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Phạm Liên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn