TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/09/2021 15:50

Các quy định của pháp luật Việt Nam về hiến tặng mô, tạng

Ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại từ giữa thế kỷ XX, đến nay thế giới đã có lịch sử hơn 70 năm ghép tạng với nhiều thành tựu vượt bậc, nguồn tạng ghép cũng có nhiều biến chuyển từ ghép người cho sống cùng huyết thống đến người cho sống không cùng huyết thống, người cho chết não và gần đây là người cho ngừng tim. Để tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy và triển khai hoạt động hiến, lấy ghép mô tạng hiệu quả, nhân văn và công bằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã xây dựng chính sách, pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng.

 1. Quy định về hiến tặng mô, tạng theo pháp luật một số nước trên thế giới và Việt Nam

Thứ nhất, về điều kiện hiến tặng mô, tạng: Tại Việt Nam, Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

- Điều kiện về sức khỏe: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, Quyết định số 43/2006/QĐ-BYT ngày 29/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2006 về việc ban hành quy trình kỹ thuật ghép thận từ người cho sống và quy trình kỹ thuật ghép gan từ người cho sống có quy định điều kiện để người hiến được tuyển sử dụng là không bị ung thư, xơ gan, nhiễm HIV dương tính… Điều đó cho thấy, những quy định cụ thể về sức khỏe với người hiến thận hoặc gan ở Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật và tương đối chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả người hiến và người nhận.

Thứ hai, về thủ tục hiến mô, tạng: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác năm 2006 có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, tạng của mình với cơ sở y tế, khi nhận được thông tin của người hiến mô, bộ phận cơ thể, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Sau khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, tạng, Trung tâm Điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có đủ điều kiện về trang thiết bị, về đội ngũ cán bộ y tế để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. Cơ sở y tế có trách nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, tạng và hướng dẫn việc đăng ký hiến lấy mô, tạng, hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến; người hiến mô, tạng để được hiến phải đảm bảo được điều kiện về sức khỏe.

Thứ ba, về vấn đề xác định chết não trong trường hợp hiến mô, tạng sau khi chết: Việc xác định chết não cũng được quy định trong pháp luật hiện hành dựa trên quyết định của 03 chuyên gia về hồi sức cấp cứu, chuyên gia về thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh, chuyên gia về giám định pháp y xác định (Điều 27 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác năm 2006) và Luật này cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não.

Thứ tư, về cơ quan quản lý hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và ngân hàng mô: Pháp luật Việt Nam cũng dành hẳn một chương quy định về ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người (từ Điều 35 đến Điều 38, Chương V, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác năm 2006), những quy định này đã góp phần quan trọng trong việc khám, chữa bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người dân Việt Nam.

2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về hiến mô, tạng

Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Bởi đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, nhiều người đã quyết định hiến tạng để góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến. Việc sửa đổi luật sẽ góp phần thúc đẩy cho ngành y học giải phẫu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, khuyến khích người đi đăng ký hiến mô, tạng ngày càng nhiều, thông qua đó đã cứu sống rất nhiều người bệnh. Dưới đây là một số ý kiến nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc hiến môt, tạng như sau:

- Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác nên quy định cụ thể về điều kiện hiến mô, tạng vì mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy một cách chặt chẽ bởi hiến mô, tạng là một trong những mục đích quan trọng được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (đó là mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học).

- Nên mở rộng độ tuổi đối với người hiến tặng mô, tạng chết não. Luật cần sửa đổi theo hướng không giới hạn độ tuổi đối với người hiến sau khi chết não. Tuy nhiên, đối với người hiến khi còn sống, bên cạnh độ tuổi quy định từ đủ 18 tuổi đối với người hiến tạng cùng huyết thống, cần bổ sung quy định mở rộng điều kiện độ tuổi đối với người hiến tạng không cùng huyết thống, theo đó, cần nâng cao độ tuổi hiến tạng lên 35 tuổi hoặc 40 tuổi, bởi ở độ tuổi này, người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, với quy định này cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng mua bán tạng hiện nay.

- Nên sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; xác định rõ tạng hiến là quà tặng sự sống, là tài sản quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tặng mô, tạng.

Hà Chi

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn