TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/10/2021 17:15

Quyền bình đẳng trong việc làm, nghề nghiệp của người chuyển giới ở Việt Nam

Quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử là một quyền cơ bản của con người. Khoản 2 Điều 9 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội việc làm.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về người chuyển giới, tuy nhiên, một số quyền của người chuyển giới đã được gián tiếp ghi nhận trong mục 2 Chương III Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền nhân thân. Cụ thể, khoản 1 Điều 28 cho phép cá nhân người có tên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên khi việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính. Điều 36 cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính, Điều 37 quy định cá nhân chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.

Việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là một bước tiến đáng chú ý trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền nhân thân cho cộng đồng dễ bị tổn thương.

Bộ luật Lao động năm 2019 cũng chính thức có định nghĩa về hành vi phân biệt đối xử trong lao động, trong đó có yếu tố giới tính. Tất cả người lao động, không phân biệt giới tính, tuổi tác, vị trí, hình thức ký hợp đồng lao động hay tình trạng công việc, đều có quyền và trách nhiệm đảm bảo nơi làm việc.

Trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới ở Việt Nam ngày càng rõ rệt. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế, môi trường (ISEE), có 53% người chuyển giới nữ và 60% người chuyển giới nam bị các nhà tuyển dụng từ chối nhận vào làm việc trong khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực. Ngay cả khi được nhận vào làm việc, thì có tới 69% người chuyển giới nữ và 66% người chuyển giới nam thường bị kỳ thị, xa lánh ở nơi công sở.

Nguyên nhân là do một số nhà tuyển dụng vẫn có cái nhìn tiêu cực về người chuyển giới. Vì vậy, lao động là người chuyển giới không thể cởi mở về cuộc sống riêng của mình nếu không muốn bị mất việc làm. Áp lực tâm lý phải giấu kín xu hướng tính dục và bản dạng giới, những lo lắng về công kích cá nhân làm giảm đi phần nào năng suất lao động của họ. Những người đủ can đảm để thể hiện con người thật của mình tại nơi làm việc trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực, kỳ thị khác nhau, nhiều người thậm chí phải bỏ việc sau một thời gian dài chịu đựng. Trong khi pháp luật lao động hiện hành chưa có điều khoản nào quy định về việc chống lại phân biệt, kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới và bảo vệ người chuyển giới.

Hiện nay, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về LGBT, chúng ta vẫn thiếu những nghiên cứu chuyên sâu về môi trường lao động, cơ hội việc làm, nghề nghiệp dành cho cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng. Vì vậy, vẫn chưa có đủ nguồn thông tin đáng tin cậy để tiến hành xây dựng những chính sách cụ thể về vấn đề này. Mặc dù, một số ngành nghề như thiết kế, thời trang, nghệ thuật, biểu diễn và giải trí… được xem là những lĩnh vực cởi mở và thân thiện dành cho người LGBT nhưng môi trường lao động nhìn chung vẫn còn rất khắc nghiệt với họ.

Một số kiến nghị nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc làm, nghề nghiệp của người chuyển giới

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy việc thừa nhận giới tính pháp lý của người chuyển giới. Cần sớm thông qua Luật Chuyển đổi giới tính, bởi quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 là chưa đủ rõ ràng, đặc biệt là hoàn thiện hơn nữa các nội dung liên quan đến quyền bình đẳng về việc làm, nghề nghiệp của người chuyển giới trong pháp luật lao động theo hướng bảo vệ quyền của người chuyển giới, bảo vệ và thực thi quyền bình đẳng trong việc làm, nghề nghiệp.

Thứ hai, người sử dụng lao động cần có ý thức xây dựng nội quy quy định các tiêu chí rõ ràng về không phân biệt đối xử và cơ hội việc làm bình đẳng cho mọi đối tượng người lao động, đặc biệt là người chuyển giới; nâng cao nhận thức của người lao động nhất là những người chịu trách nhiệm tuyển dụng, tuyển chọn, các cán bộ giám sát và quản lý, để giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người cùng hành động chống phân biệt, đối xử đối với lao động là người chuyển giới; điều tra, giải quyết khiếu nại, xử lý khiếu kiện và có cơ chế để người lao động sử dụng khi xảy ra hành vi phân biệt, đối xử.

Thứ ba, tăng cường tư vấn pháp luật cho người chuyển giới, lập ra các trung tâm tư vấn pháp luật cho người LGBT nói chung, người chuyển giới nói riêng để giúp họ hiểu được các vấn đề pháp lý trong cuộc sống hàng ngày là vô cùng cần thiết. Các tổ chức đại diện cho cộng đồng LGBT cần được thành lập hợp pháp để dễ dàng và kịp thời bảo vệ những người trong cộng đồng này. Xây dựng mô hình trung tâm dạy nghề cho những người LGBT, đặc biệt là cho người chuyển giới, người vô gia cư và những người sống ở khu vực khó khăn để giúp họ có việc làm ổn định.

 (Theo www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn