TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 09/11/2022 08:51

Bạo lực gia đình: Xin đừng im lặng

Bạo hành gia đình xảy ra với cả người lớn và trẻ em, ở phương diện tinh thần lẫn thể xác, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ thì mắng chửi, nặng hơn thì bị đánh đập, hành hạ, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Trong cuộc sống, đôi khi “im lặng là vàng”, tuy nhiên, im lặng không phải lúc nào cũng đúng. Trong tình huống ấy, mỗi người sẽ có cách phản ứng khác nhau, có người chọn cách im lặng, có người to tiếng, có người nhanh chóng hòa giải nhưng cũng có người giữ những ẩn ức trong lòng và kết thúc bằng việc ly tán. Sau đây là một câu chuyện về bạo lực gia đình mà người vợ luôn chọn cách chịu đựng, đến nỗi việc bạo hành trở thành thường xuyên. May nhờ có chị Hòa giải viên đến động viên, tư vấn pháp luật để được bảo vệ.

Vừa đi chợ về, chị Xuân, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã đã nghe thấy bên nhà vợ chồng chị Bình ầm ĩ cãi nhau, tiếng đập bát đĩa xoang xoảng. Đặt vội chiếc làn vào góc nhà, chị Xuân liền sang nhà chị Bình xem xét tình hình. Chị Xuân gọi một lúc thì thấy chị Bình trả lời, giọng mệt mỏi: 

- Chị Xuân đấy à, em ở trong nhà đây chị ạ. Có việc gì  mà chị sang nhà em thế?

- Chị Xuân: Còn việc gì nữa, nhà cô lại có chuyện hay sao?

- Chị Bình: Ốm đau gì đâu chị ơi, em đau đầu tí thôi.

- Chị Xuân: Mà sao nhà cửa tối tăm thế, bật điện lên cho sáng.

Chị Xuân đi ra chỗ công tắc điện, thấy chị Bình mặt mũi bầm tím, sưng tấy liền kêu lên: Cô bị làm sao thế?

- Chị Bình: Chồng em đi uống rượu về, hai vợ chồng cãi nhau, thế là lao vào đánh em đấy chị ạ. Ngày mai em phải nghỉ làm, chứ mặt mũi thế này người ta biết thì chết.

- Chị Xuân: Chết thật, thế là không được. Có gì vợ chồng đóng cửa bảo nhau chứ sao lại đánh cô tím cả mặt thế này.

- Chị Bình: Đấy toàn thế chị ạ. Nói ra thì hàng xóm họ cười. Cứ lúc nào uống rượu vào là cả nhà lại thấp thỏm lo sợ. Uống say xong về lại lôi mấy chuyện cũ ra nói, cãi nhau, chồng em nổi giận đập vỡ hết chén bát, đánh cả em nữa… Hai cháu nhỏ thấy vậy sợ quá, chạy sang nhà ngoại rồi. Chúng nó sợ bố lắm.

- Chị Xuân: Hành động thế này để con cái nhìn thấy là ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của chúng nó lắm đấy. Mà chồng cô dã man thật đấy, cô gầy ốm thế này mà nó cứ rượu chè rồi đánh thì còn gì là người nữa hở trời?

- Chị Bình: Nếu không nghĩ đến hai con thì em bỏ quách đi cho rồi.

- Chi Xuân: Lần trước tôi cũng gặp và khuyên bảo chú ấy rồi cơ mà. Tôi bảo cứ uống say về làm ầm ĩ như thế mấy đứa con nó làm sao mà học hành được? Đánh vợ như thế cô ấy ốm nằm một chỗ thì ai mà nuôi con cho chú? Chú ấy vâng vâng dạ dạ rồi cơ đấy!

- Chị Bình: Thì lúc không uống rượu anh ấy cũng thương con mà chị. Bình thường cũng nhẹ nhàng mà hiểu chuyện lắm. Nhưng cứ rượu vào là không kiểm soát được hành vi, nhưng nghĩ lại đem chuyện nhà ra ngoài nói thì cũng xấu hổ với mọi người. Thôi, lỡ lấy phải người chồng ham rượu, cục cằn thì đành chịu chứ, giờ biết làm sao?

- Chi Xuân: Cô nghĩ vậy là sai rồi. Không lẽ, cô cứ cam chịu mãi sao. Phải để pháp luật can thiệp, giáo dục cho chồng cô biết, đánh vợ là có tội đấy. Còn nữa nếu chú ý cứ rượu chè say xỉn, quậy phá thế này liệu cuộc sống gia đình cô có được yên ấm, hạnh phúc không? Rồi các cháu nhỏ nữa, cứ chứng kiến bạo lực trong gia đình thì tụi nó nghĩ sao? Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ, đánh vợ, đánh con là có tội cô ạ. Một lần thì có thể nhắc nhở, nhưng nhiều lần thì phải giáo dục, xử lý.

Theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng hay lăng mạ, cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với thành viên trong gia đình là những hành vị bị pháp luật cấm. Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn quy định: “Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng”.

Lần sau mà chồng cô còn đánh vợ con nữa thì báo chính quyền luôn, cho chừa. Tôi chia sẻ những kiến thức này cho cô, cô phải kiên quyết lên. Tổ hòa giải, Hội Phụ nữ và chính quyền sẽ ủng hộ các cô, bảo vệ các cô nhưng mà các cô phải kiên quyết, phối hợp với chúng tôi thì mới có hiệu quả. Gia đình hiểu biết pháp luật, hạn chế việc cãi vã nhau, làng xóm cũng vui vẻ, yên bình. Tất cả cũng vì tương lai con em chúng ta.

- Chị Bình: Vâng, em nghe rồi. Có gì chị giúp cho mẹ con em, tư vấn cho em để em giúp chồng em thay đổi nhận thức, không uống rượu đánh vợ con nữa.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn