TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/06/2021 14:52

Cạnh tranh không lành mạnh

Anh An và anh Chiến đều mở nhà hàng bán hàng ăn, hai quán nằm đối diện nhau trên cùng một con đường. Nhà hàng của anh Chiến ở phía đối diện khách đến ăn đông nườm nượp, anh An đem lòng ghen ăn tức ở. Sau khi tìm mọi cách không kéo được khách về quán mình, anh An nghĩ ra tối kiến: đường này không cấm đậu xe, hay là mình đem chiếc xe tải qua bên đó đậu, với mục đích gây cản trở việc buôn bán của anh Chiến.

Tối hôm đó, chờ cho nhà hàng của anh Chiến đã đóng cửa, anh An lái ngay chiếc xe tải đỗ trước quán của anh Chiến. Tất nhiên, anh Chiến không thể nào chấp nhận gian kế này nên phản đối quyết liệt: “Anh không được đậu xe ở đây vì sẽ làm cản trở việc làm ăn buôn bán của tôi”. Thế nhưng anh An rất thản nhiên: “đường này không cấm đậu nên tôi có quyền đậu xe ở đây”. Hai anh cãi nhau ầm ĩ cả khu phố, không cho ai ngủ. Chị Hà- hòa giải viên của tổ dân phố thấy ồn ào liền ra xem xét tình hình, đề nghị hai bên bình tĩnh, là hàng xóm láng giềng, có gì không nên không phải cũng sẽ có phương án giải quyết. Sau khi nghe rõ hai bên trình bày, chị Hà nêu ra quy định của pháp luật:

Theo Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau:

Bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Căn cứ vào quy định trên thì hành vi đỗ xe của anh An trước quán của anh Chiến không thuộc trường hợp cấm đỗ nên không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hành vi đỗ xe của anh An là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh

Theo khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Anh An có hành vi gây rối trong hoạt động kinh doanh. Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác được quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật cạnh tranh năm 2018, theo đó cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

Như vậy, việc anh An dùng xe tải đậu trước quán của anh Chiến là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cản trở hoạt động kinh doanh của anh Chiến. Hai nhà cùng trên tuyến đường, cùng bán một mặt hàng sẽ có thể có sự hơn kém nhau về doanh thu. Anh An nên quan tâm đến chất lượng để thu hút khách, chứ không nên cư xử như vậy.

Sau khi nghe hòa giải viên phân tích điều hay lẽ phải, anh An đã nghe ra và bắt tay anh Chiến, đồng ý cạnh tranh lành mạnh.

Hương Phan

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn