TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 01/10/2021 08:22

“Thuận vợ, thuận chồng bể Đông tát cạn...”

Nghe tin chị Mai và anh Sơn gửi đơn ra tòa xin ly hôn, gia đình, bạn bè hai bên không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng bởi trong mắt họ, anh chị vốn là “kiểu mẫu” cho một của gia đình hạnh phúc.

Chị Mai rất quý cô Lê. Cô vốn là chỗ thân tình với mẹ chị, trước làm cán bộ ở tòa án, đã nghỉ hưu được mấy năm, hiện đang làm hòa giải viên của khu dân cư nên đã sang tâm sự cùng cô và nhờ cô khuyên giải. Cô đã dành thời gian nghe chị tâm sự để hiểu rõ sự tình. Chuyện là  anh chị kết hôn với đã gần 10 năm. Anh Sơn - chồng chị - làm việc ở một cơ quan nhà nước còn chị kinh doanh buôn bán. Ngay từ khi yêu nhau, biết gia đình anh còn khó khăn nhưng bố mẹ chị vẫn vun vén cho đôi trẻ và còn động viên chị: Vợ, chồng cốt yêu thương nhau sẽ có cuộc sống hạnh phúc dài lâu còn chuyện kinh tế, chỉ cần chịu khó đồng sức, đồng lòng sẽ có “của ăn, của để”. Cưới nhau xong, kinh tế trong gia đình do chị một tay lo liệu. Lương của anh chỉ sử dụng cho nhu cầu cá nhân và thỉnh thoảng anh gửi về biếu cha, mẹ ở quê. Tuy nhiên, vì bản thân chủ động về kinh tế và lo được cho gia đình chu tất nên chị cũng không yêu cầu anh đóng góp, gia đình anh chị thuận hòa, êm ấm.

Anh chị có hai người con, con trai lớn năm nay vào lớp 3 còn con gái nhỏ mới tròn 2 tuổi. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc buôn bán của chị không còn được thuận lợi như trước, gánh nặng kinh tế trong gia đình trở nên khó khăn hơn. Chị đã nói chuyện với chồng, mong anh cùng chị san sẻ công việc gia đình và đỡ đần thêm cùng chị nhưng anh cứ ậm ừ rồi để đấy. Trước có người giúp việc, chị chỉ lo bán hàng, con cái đã có người trông nom. Nhưng từ khi cho người giúp việc nghỉ, công việc gia đình đã chiếm phần lớn thời gian của chị, vậy mà anh vẫn giữ thói quen sinh hoạt trước đây. Ngoài giờ đi làm, khi về nhà chỉ thi thoảng anh chơi cùng con đôi chút còn chuyện ăn uống, học hành hay lúc con ốm, con đau, mỗi mình chị lo toan. Chị bảo anh như “người trên trời rơi xuống”…

Đầu năm, anh nói với chị rằng bố, mẹ anh đã lớn tuổi, anh muốn chuyển cả gia đình về quê để cuộc sống đỡ “bon chen” và tiện chăm sóc ông, bà vì anh là con trưởng. Chị phân tích rằng, anh có thể đón ông bà lên ở cùng để tiện chăm sóc, phụng dưỡng còn chị vẫn muốn sinh sống ở thành phố để thuận tiện việc kinh doanh, buôn bán và học hành của các con nhưng anh không đồng ý. Anh bảo ông bà không quen sống ở nơi phố xá ồn ào, rồi “thuyền theo lái, gái theo chồng”... Dù hai vợ chồng chưa thống nhất ý kiến nhưng anh làm đơn xin cơ quan nghỉ phép không lương, chuyển hết đồ đạc về nhà bố mẹ anh nhằm gây áp lực với chị để chị phải chuyển về. Cứ 2 đến 3 tuần, anh mới về thăm con một lần hoặc chị cho con về quê. Vợ, chồng mỗi người mỗi nơi, tình cảm dần trở nên xa cách. Không chỉ vậy, anh cũng không đóng góp chút tiền nào nuôi con với lý do bố mẹ anh ốm đau, phải lo tiền thuốc thang cho ông bà. Chị Mai nói với cô Lê, “tiếng” là có chồng nhưng chị toàn phải một mình tự kiếm tiền, tự nuôi con, không có ai đỡ đần, chia sẻ trong cuộc sống thì ly hôn cho nhẹ gánh…

Khi nghe chị Mai tâm sự, cô Lê đã hiểu được những uẩn khúc trong lòng chị. Qua tìm hiểu, xác minh, cô thấy những điều chị đã kể là hoàn toàn chính xác.

Lựa buổi anh Sơn về thăm con, cô đã bố trí buổi gặp gỡ riêng anh và lựa lời phân tích để anh nhận thấy: Những mâu thuẫn trong gia đình anh chị chưa đến nỗi quá trầm trọng để vợ, chồng phải chia tay nhau, con cái mỗi người mỗi ngả. Chỉ cần mỗi người cùng điều chỉnh lại một chút thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Cô bảo việc anh hiếu nghĩa với cha, mẹ anh là điều đáng quý, đáng trân trọng nhưng là người chồng, người cha anh cũng cần có trách nhiệm với chính gia đình nhỏ của mình. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, trong gia đình vợ chồng bình đẳng và cùng có nghĩa vụ xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau… Lúc vợ anh buôn bán, kinh doanh thuận lợi, có thể vợ anh không quan tâm nhiều đến thu nhập của anh bởi chị tự lo liệu được cho gia đình. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình khó khăn chung, việc anh cùng chị lo gánh vác gia đình là điều cần thiết. Vợ chồng cùng nhau “đồng  cam, cộng khổ” sẽ thấy trân trọng hạnh phúc hơn. Các cụ ta đã có câu “thuận vợ, thuận chồng, bể Đông tát cạn”...

Về phía chị Mai, cô cũng nhẹ nhàng phân tích để chị nhận thấy, mặc dù chị là người phụ nữ giỏi giang, tháo vát, chăm lo cho gia đình nhưng cũng có những cư xử chưa phù hợp. Ngay từ khi mới kết hôn, dù lương của chồng chị có thể thấp và chị vẫn lo được nhưng lẽ ra, anh vẫn cần phải đóng góp kinh tế để cùng có trách nhiệm đối với gia đình. Trong việc nuôi dạy con, ngoài giờ đi làm ở cơ quan, chị nên bảo anh cùng chăm sóc để tình cảm cha con thêm gắn bó...

Nhờ kiên trì bền bỉ “mưa dầm thấm lâu”, cô Lê đã dần dần khuyên giải được cả hai vợ, chồng. Anh Sơn đã nhận ra những điều chưa phải và xin lỗi vợ. Anh đã chuyển về thành phố ở cùng chị với các con và đi làm trở lại. Chị cũng sẵn lòng cùng anh vừa phụng dưỡng cha mẹ vừa chăm lo cho các con. Cô Lê cảm thấy rất vui vì dù đã về hưu nhưng nhưng qua công tác hòa giải, cô đã góp phần hàn gắn hạnh phúc gia đình để những đứa trẻ được lớn lên trong mái ấm đủ đầy cha mẹ.

                                                                                         Hương Liên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn